1. Vật lý trị liệu là gì?
Vật lý trị liệu là phương pháp chữa bệnh không cần dùng thuốc. Bằng cách sử dụng các yếu tố vật lý như vận động cơ học, sóng âm, ánh sáng, nhiệt… tác động lên cơ thể người bệnh giúp cơ thể phục hồi các chức năng suy giảm, vật lý trị liệu hỗ trợ giảm đau và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
1.1. Vai trò của vật lý trị liệu
- Hỗ trợ giảm đau, giúp người bệnh giảm dần việc dùng thuốc điều trị để tránh các tác động bất lợi cho sức khỏe.
- Tránh nguy cơ phẫu thuật đau đớn.
- Cải thiện và phục hồi khả năng vận động sau chấn thương, bại liệt hay sau phẫu thuật, để người bệnh sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
- Thường xuyên thực hiện các phương pháp vật lý trị liệu còn giúp phòng ngừa nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi tác.
1.2. Các hình thức, kỹ thuật vật lý trị liệu
Có rất nhiều hình thức/kỹ thuật vật lý trị liệu nhưng chủ yếu phân thành 2 nhóm chính như sau:
Vật lý trị liệu chủ động: Những bài tập được thiết kế để tập với công cụ đi kèm hoặc đơn giản là những bài tập như đi bộ, đạp xe…
Vật lý trị liệu bị động: Bao gồm trị liệu bằng nhiệt, trị liệu bằng ánh sáng hay nước, kích thích điện, dùng sóng âm, điều trị bằng siêu âm, nắn hoặc xoa bóp bằng tay… giúp giải phóng các áp lực chèn ép rễ dây thần kinh và đẩy nhanh quá trình tái tạo mô tổn thương.
2. Phục hồi chức năng là gì?
Phục hồi chức năng là phương pháp giúp phục hồi khả năng vận động của các bộ phận trên cơ thể (tay, chân, cổ…) sau khi bị tổn hại bởi các chấn thương do tai nạn, đột quỵ hoặc bại liệt do biến chứng của bệnh lý xương khớp.
Phục hồi chức năng mang lại nhiều tác dụng tích cực, nhưng để đạt được điều này, người bệnh cần kiên trì luyện tập theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
2.1. Vai trò của phục hồi chức năng
Mục đích của phục hồi chức năng là có thể giúp người bệnh phục hồi khả năng vận động, có thể tự chăm sóc bản thân, giao tiếp bình thường và có cuộc sống tốt hơn. Ngoài ra, phương pháp này còn mang đến nhiều tác dụng tích cực khác như:
- Giúp tăng cường sức khỏe, đồng thời phòng ngừa bệnh tái phát sau điều trị cũng như ngăn ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm do tổn thương gây ra.
- Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, ung thư, bệnh tim mạch.
- Giúp người bệnh suy nghĩ tích cực hơn, tinh thần thoải mái, hạn chế dấu hiệu căng thẳng, tâm lý tự ti để họ có thể tái hội nhập xã hội.
2.2. Các hình thức phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng có 3 hình thức là phục hồi chức năng tại bệnh viện, trung tâm; phục hồi tại nhà; phục hồi trong cộng đồng. Khi thực hiện, sẽ kết hợp nhiều phương pháp phục hồi chức năng với nhau để mang lại hiệu quả toàn diện.
Các phương pháp phục hồi chức năng thông dụng gồm:
- Vật lý trị liệu.
- Vận động trị liệu.
- Tâm lý trị liệu.
- Ngôn ngữ trị liệu.
- Hoạt động trị liệu.
3. Vật lý trị liệu phục hồi chức năng khuyên dùng cho bệnh lý nào?
Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý về cơ xương khớp, thần kinh, tim mạch…
Thông thường, vật lý trị liệu – phục hồi chức năng thường được chỉ định cho các đối tượng sau:
- Mắc các bệnh về xương khớp: Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hoặc cột sống lưng, viêm cột sống, vẹo cột sống, thoái hóa khớp, viêm khớp, hội chứng ống cổ tay, viêm đa rễ, liệt thần kinh ngoại biên…
- Tổn thương về thần kinh – cơ: Điển hình như bại não, chấn thương sọ não, đột quỵ, viêm màng não, tổn thương tủy sống.
- Dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền.
- Người đang gặp phải các chấn thương: Trật khớp, giãn dây chằng khớp gối, căng dãn cơ bắp…
- Phục hồi chức năng sau tai biến: Bệnh nhân sau tai biến, khi sức khỏe tạm ổn định thì nên tập phục hồi chức năng càng sớm càng tốt để giúp những bộ phận đã tổn thương có thể khôi phục lại chức năng vốn có. Nhờ đó, người bệnh có sức khỏe tốt và hoạt động, sinh hoạt bình thường.
- Phục hồi sau khi phẫu thuật: Phẫu thuật kết hợp xương, phẫu thuật dây chằng khớp gối, thay khớp gối, háng nhân tạo hay các phẫu thuật liên quan đến thần kinh cột sống, não…
- Mắc các bệnh lý về hô hấp: Hen phế quản, tắc nghẽn phổi, viêm phổi.
- Mắc các bệnh mãn tính: Đái tháo đường, tăng huyết áp, đau dạ dày, viêm tụy mãn tính.
Ngoài ra, người thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, đau đầu, đau nửa đầu, trầm cảm, tự kỷ cũng có thể áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu – phục hồi chức năng để cải thiện.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp này. Để tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, người bệnh cần thăm khám để bác sĩ hiểu rõ tình trạng bệnh, sau đó mới chỉ định có nên áp dụng hay không.
4. Có thể tập vật lý trị liệu & phục hồi chức năng tại nhà được không?
Có không ít người tự tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng tại nhà sau khi tham khảo qua các thông tin trên các trang thông tin điện tử hay qua mạng xã hội. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng với các bài tập đơn giản và đối tượng bị chấn thương nhẹ. Ngoài ra, hiệu quả khi tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng tại nhà thường không cao do người bệnh lựa chọn bài tập chưa phù hợp, tập không đúng cách, không đúng thời gian.
Lưu ý, với các đối tượng phục hồi chức năng sau phẫu thuật, mắc các bệnh lý xương khớp nghiêm trọng… tuyệt đối không nên tự ý tập tại nhà vì có thể gây phản ứng ngược, dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng.
Để đạt hiệu quả phục hồi cao, tốt nhất người bệnh nên thăm khám, tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ kết hợp trị liệu thần kinh cột sống và tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, dưới sự hỗ trợ của nhiều thiết bị hiện đại và có chuyên viên hướng dẫn, giám sát.
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cộng đồng. Nếu gặp vấn đề về sức khỏe xương khớp, hạn chế vận động, người bệnh nên chủ động tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tích cực, càng sớm càng tốt để sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.